Những điều cần biết khi tiêm vắc xin COVID-19 ở Hàn Quốc


Tính đến ngày 9/8/2021, đã có 20.9 triệu người hoàn thành tiêm vắc xin COVID-19 ở Hàn Quốc mũi 1, tương đương 40.8% dân số.

Tổng số người đã hoàn tất tiêm chủng là hơn 7.7 triệu người, chiếm 15% dân số.

Tỷ lệ hoàn thành tiêm chủng theo loại vắc xin là AstraZeneca 16,8%, Pfizer 44,7%, Moderna 3,1% và Janssen 100%.

Những điều cần biết khi tiêm vắc xin COVID-19 ở Hàn Quốc
Những điều cần biết khi tiêm vắc xin COVID-19 ở Hàn Quốc

Thứ tự các độ tuổi tiêm tiêm vắc xin COVID-19 ở Hàn Quốc

Trong thời gian qua, Chính phủ Hàn Quốc đã tiến hành tiêm chủng cho người cao tuổi, người làm việc tại những nơi rủi ro cao, cơ quan phòng dịch và điều trị, đặt trọng tâm vào việc giảm rủi ro tử vong cho nhóm có nguy cơ cao, bảo vệ hệ thống y tế và phòng dịch, duy trì các chức năng thiết yếu xã hội.

Tiếp đó trong tháng 7 Hàn Quốc đã tiêm chủng cho các thí sinh chuẩn bị thi đại học, giáo viên nhà trẻ, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông trên 30 tuổi, người từ 50-59 tuổi.

Cũng trong tháng 7 vừa qua, Hàn Quốc đã lần đầu tiên triển khai tiêm chủng “chéo”, tức tiêm mũi một bằng vắc xin AstraZeneca (Anh) và mũi hai bằng vắc xin của hãng Pfizer (Mỹ).

Trong tháng 8 và tháng 9, chính phủ sẽ tiếp tục tiêm chủng cho người dân trong độ tuổi từ 18-49 tuổi. Dân số có độ tuổi từ 18-49 là khoảng 22,7 triệu người, nhưng trong đó có 5 triệu người là nhân lực thiết yếu đã hoàn thành tiêm chủng nên chính phủ Hàn Quốc sẽ lập kế hoạch tiêm chủng cho 17 triệu dân còn lại từ cuối tháng 8.

Khoảng 17 triệu người dân trong độ tuổi từ 18 đến 49 sẽ có thể đặt lịch tiêm từ ngày 9/8.

Những người có ngày sinh từ ngày 1/1/1972 đến ngày 31/12/2003, bao gồm cả người nước ngoài sẽ bắt đầu đặt lịch từ ngày 9/8 và bắt đầu tiêm chủng từ ngày 26/8. Vắc xin chủ yếu sử dụng sẽ là Pfizer và Moderna của Mỹ, sẽ được tiêm ngẫu nhiên, người dân không được chọn.

Trong tuần đầu tiên của tháng 8, chính phủ ưu tiên gửi tin nhắn yêu cầu đặt lịch tiêm chủng với những người làm công việc phục vụ thiết yếu trong xã hội (tài xế xe bus, taxi, nhân viên giao hàng, nhân viên môi trường), những người khó đặt lịch (người nước ngoài, du học sinh, người khuyết tật…), người làm việc ở môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao như người phục vụ ở quán ăn, quán net, quán karaoke…

Như vậy là phần lớn người nước ngoài cư trú tại Hàn Quốc trong độ tuổi từ 18~49 sẽ chắc chắn được tiêm vắc xin hoàn toàn miễn phí. Thậm chí theo hướng dẫn, người nước ngoài thuộc diện được ưu tiên tiêm chủng vì được xếp vào giai tầng bị bỏ ngỏ trong xã hội. Người nước ngoài cư trú bất hợp pháp cũng sẽ được tiêm nhưng có lẽ sẽ phải xếp lượt lâu hơn.

Các cách đăng ký tiêm vắc xin COVID-19 ở Hàn Quốc

Cho đến thời điểm hiện tại, có 3 cách đăng ký tiêm chủng sau:

1.Săn vắc xin dư trong ngày (잔여백신), nhưng phương pháp này không phải lúc nào cũng may mắn và có thời gian để đăng ký.

2.Đăng ký theo công ty, chính quyền địa phương, trường học, đoàn thể: cách này chỉ cần báo họ tên, số thẻ người nước ngoài cho người phụ trách là sẽ tự động được đặt lịch tiêm chủng

3.Đăng ký theo lượt: là hình thức đăng ký phổ thông, sẽ được hướng dẫn chi tiết ở dưới đây.
+Thời gian đăng ký: từ 8 giờ tối đến 6 giờ chiều ngày hôm sau
+Phương pháp đăng ký: đăng ký online trên trang web [ncvr.kdca.go.kr] thông qua 10 đợt đăng ký dựa vào số chứng minh thư
+Cách tra ngày được đặt lịch dựa vào ngày sinh trên chứng minh thư: dựa vào số cuối trong cụm năm-tháng-ngày sinh.

Ví dụ, sinh ngày 31/7/1995 thì dãy số hiển thị là 950731, số cuối của cụm này là số 1 thì sẽ được đặt lịch vào ngày 11/8.
Tham khảo bảng đính kèm phía dưới để tìm ngày đặt lịch tiêm chủng của mình, cụ thể:

  • Người có đuôi ngày sinh số 9 đặt lịch vào thứ Hai (9/8/2021)
  • Người có đuôi ngày sinh số 0 đặt lịch vào thứ Ba (10/8/2021)
  • Người có đuôi ngày sinh số 1 đặt lịch vào thứ Tư (11/8/2021)
  • Người có đuôi ngày sinh số 2 đặt lịch vào thứ Năm (12/8/2021)
  • Người có đuôi ngày sinh số 3 đặt lịch vào thứ Sáu (13/8/2021)
  • Người có đuôi ngày sinh số 4 đặt lịch vào thứ Bảy (14/8/2021)
  • Người có đuôi ngày sinh số 5 đặt lịch vào Chủ Nhật (15/8/2021)
  • Người có đuôi ngày sinh số 6 đặt lịch vào thứ Hai (16/8/2021)
  • Người có đuôi ngày sinh số 7 đặt lịch vào thứ Ba (17/8/2021)
  • Người có đuôi ngày sinh số 8 đặt lịch vào thứ Tư (18/8/2021)
  • Các ngày từ 19~21/8/2021 dành cho người độ tuổi từ 36-49, 18-35 và 18-49 khác đặt bổ sung.

Trường hợp khó khăn khi đăng ký online có thể chọn 2 cách dưới đây:

  • Gọi tổng đài của Cơ quan quản lý dịch bệnh Hàn Quốc 1339, đọc số chứng minh thư cho nhân viên (cách này cũng phải kiên nhẫn chờ đợi, có thể gọi nhiều lần vì tổng đài luôn bận)
  • Đến trung tâm y tế, trung tâm tiêm phòng gần khu vực sinh sống (người cư trú bất hợp pháp cũng chọn cách này để đặt lịch tiêm)

Người cư trú bất hợp pháp cũng có thể tiêm vắc xin COVID-19, chỉ cần mang theo hộ chiếu tới trung tâm y tế nơi mình đang sinh sống (보건소), lấy mã số quản lý tạm thời là có thể tiêm chủng. Thời gian tiêm chủng cho người bất hợp pháp là từ ngày 5/8 đến ngày 3/9.

Các loại vắc xin ở Hàn Quốc

Theo cập nhật đến ngày 26/5/2021, Hàn Quốc đã cấp phép cho 4 loại vắc xin là: AstraZeneca (Anh), Pfizer (Mỹ) và Janssen (Bỉ) và Moderna (Mỹ).

 

1. ASTRAZENECA (아스트라제네카) của Anh

  • Loại: Viral vector
  • Số lần tiêm: 2 lần (chi phí 3~5 USD/lần tiêm)
  • Hiệu quả phòng dịch: 70.4%

2. PFIZER (화이자) của Mỹ

  • Loại: mRNA
  • Số lần tiêm: 2 lần (chi phí 19.5 USD/lần tiêm)
  • Hiệu quả phòng dịch: 95%

3. JANSSEN (야센) của Bỉ

  • Loại: Viral vector
  • Số lần tiêm: 1 lần (chi phí 10 USD/lần tiêm)
  • Hiệu quả phòng dịch: 14 ngày đạt 66.9%, sau 28 ngày đạt 66.1%, đều đạt trên 60% ở các nhóm tuổi.

4. MODERNA (모더나) của Mỹ

  • Loại: mRNA
  • Số lần tiêm: 2 lần (chi phí 15~25 USD/lần tiêm)
  • Hiệu quả phòng dịch: 94.1 %

HEALTH CORONAVIRUS VACCINE scaled

Hiện nay có 2 loại vắc xin là vắc xin mang mầm bệnh (vi rút vec tơ), như AstraZene ca và vắc xin axit nucleic (mRNA) như Pfizer. Vắc xin mang mầm bệnh (vi rút vectơ) được tiêm vào cơ thể sau khi đưa gen kháng nguyên bề mặt của vi rút COVID- 19 vào một mẫu vi rút khác, vắc xin axit nucleic (mRNA) được tiêm gen kháng nguyên bề mặt của vi rút COVID-19 vào cơ thể dưới dạng RNA nhằm sản xuất protein và tạo ra phản ứng miễn dịch. Cả hai loại vắc xin này đều không phải là vắc xin sống nên không gây nhiễm COVID-19.

Tình hình tử vong sau khi tiêm chủng ở Hàn

Tính từ ngày bắt đầu tiêm phòng 26/2/2021 đến ngày 6/8/2021đã có 373 trường hợp tử vong sau khi tiêm vắc xin (146 trường hợp tiêm AstraZeneca, 227 trường hợp tiêm Pfizer). Tính theo giới tính có 191 nam giới, 182 nữ giới.

Thời gian từ lúc tiêm chủng tới lúc tử vong là:

  • 30 trường hợp dưới 24 tiếng
  • 67 trường hợp từ 24-72 tiếng
  • 68 trường hợp từ 72-144 tiếng
  • 208 trường hợp trên 4 tiếng (chiếm nhiều nhất, 55.8%)
  • 156 trường hợp trong 6 ngày

Trong số 373 trường hợp tử vong đã có 99 trường hợp tiến hành giải phẫu tử thi, có 355 trường hợp được đánh giá là có bệnh nền, 18 trường hợp được đánh giá không có bệnh nền.

Các bệnh nền được thống kê là: cao huyết áp 227 người, tiểu đường 142 người, rối loạn tâm thần hữu cơ 78 người, bệnh về mạch máu não 63 người, các bệnh về tim 48 người.

Hiện Ủy ban chuyên môn về bồi thường thiệt hại do tiêm chủng chỉ thừa nhận 1 trường hợp tử vong do tiêm vắc xin, 372 trường hợp còn lại không xác minh được mối liên hệ giữa việc tiêm vắc xin và nguyên nhân tử vong.

Có được chọn loại vắc xin muốn tiêm không?

Người dân Hàn Quốc không được tự chọn loại vắc xin mà sẽ được tiêm theo thứ tự và nguồn nhập khẩu vắc xin được cung cấp trong nước tuỳ từng thời điểm.

Lợi ích từ việc tiêm vắc xin

Vào trung tuần tháng 5/2021 có một viện dưỡng lão ở thành phố Seongnam, tỉnh Gyeonggi phát sinh 12 ca nhiễm COVID-19, đều là những người không chịu tiêm vắc xin. Vì vậy, tiêm phòng không chỉ giúp ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm vắc xin, bảo vệ bản thân, mà còn bảo vệ những người xung quanh, đặc biệt là những người có nhiều nguy cơ mắc bệnh nặng do COVID-19.

Dựa trên những nghiên cứu về vắc xin đối với các bệnh khác và dữ liệu ban đầu từ các thử nghiệm lâm sàng các chuyên gia tin rằng tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cũng giúp ngăn ngừa khả năng bị bệnh nặng ngay cả khi đang nhiễm COVID-19.

Càng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy những người được tiêm vắc xin đầy đủ ít có khả năng bị lây nhiễm bệnh mà không có triệu chứng (cũng như ít có khả năng lây lan COVID-19 cho những người khác). Tuy nhiên vẫn tiềm ẩn xác suất bị lây nhiễm sau khi tiêm chủng và các nghiên cứu thêm vẫn tiếp tục được thực hiện.

Để khuyến khích người dân tự giác đặt lịch tiêm phòng, từ ngày 26/5/2021 chính phủ Hàn Quốc đã điều chỉnh thêm một số ưu đãi cho người sau khi hoàn thành 2 mũi vắc xin như Cấp hộ chiếu vắc xin và miễn cách ly

Bộ Y tế Việt Nam ngày 5/8 đã ra công văn, quyết định rút ngắn thời gian cách ly bắt buộc sau nhập cảnh đối với người đã hoàn tất tiêm chủng vắc-xin COVID-19. Theo đó, người đã tiêm đủ số mũi vắc-xin sau khi nhập cảnh sẽ phải cách ly trong 7 ngày, thay vì 14 ngày như hiện nay.

Tuy nhiên, sau khi kết thúc cách ly bắt buộc, người nhập cảnh cần tự theo dõi sức khỏe trong vòng một tuần tiếp theo và khai báo cho cơ quan y tế nếu phát hiện dấu hiệu sức khỏe bất thường.

Tác dụng phụ thường gặp nhất sau khi tiêm vắc xin là gì?

Các tác dụng phụ phổ biến sau khi tiêm vắc xin bao gồm đau, tấy đỏ và sưng ở cánh tay nơi tiêm. Ngoài ra có thể bị mệt mỏi, đau đầu, đau nhức cơ, ớn lạnh, sốt hoặc buồn nôn.

HEALTH CORONAVIRUS VACCINE12

Trước khi tiêm chủng

Duy trì thể trạng khoẻ mạnh, dời lịch tiêm chủng nếu thân nhiệt trên 37.5 độ. Nếu có bệnh nền, nên đến nghe chẩn đoán và tư vấn của bác sĩ phụ trách.

Mua sẵn thuốc hạ sốt, thuốc giảm đau có thành phần acetaminophen.

Thông báo với người thân, gia đình về lịch tiêm phòng để có người cùng quan sát triệu chứng, hỗ trợ. Báo trước với công ty trường hợp có thể xin nghỉ nếu có triệu chứng nặng.

Sau khi tiêm chủng

  • Sau khi tiêm chủng cần ở lại cơ quan y tế khoảng 15~30 phút để theo dõi xem có phản ứng khác thường xuất hiện không.

– Trường hợp cơ thể không có dị ứng đặc biệt, quan sát trong 15phút

– Trường hợp cơ thể đã từng bị dị ứng trước đây cần phải theo dõi trong 30 phút

  • Sau khi về nhà cần nghỉ ngơi ít nhất 3 tiếng và chú ý kỹ xem có phản ứng khác thường nào không. Tiếp tục theo dõi thể trạng trong 3 ngày sau khi tiêm
  • Trong ngày tiêm và ngày hôm sau không được vận động quá sức và uống rượu
  • Trong ngày tiêm không nên tắm
  • Giữ sạch sẽ vùng tiêm trên da
  • Đối với người già sau khi tiêm phòng xong không được ở một mình, phải có người ở bên cạnh để nếu phát sinh triệu chứng thìcó thể giúp đỡ kịp thời
  • Để giảm đau vùng cánh tay nơi tiêm có thể áp khăn khô sạch và chườm lạnh lên chỗ tiêm. Để giảm cảm giác khó chịu do sốt có thể uống nhiều nước, mặc trang phục thoáng mát, nhẹ nhàng.
  • Nếu triệu chứng sốt, đau mỏi kéo dài có thể mua thuốc hạ sốt, thuốc giảm đau có thành phần acetaminophen.

Các trường hợp nên đến khám bác sĩ sau khi tiêm:

  • Không giảm sốt (trên 39°C) sau 24 giờ
  • Chỗ tiêm đau tấy đỏ quá 48 giờ
  • Khó thở, đau ngực, đau bụng, sưng chân, mắt mờ, suy giảm thị lực trong nhiều ngày liên tục, từ 2~4 tuần
  • Bị bầm tím hoặc chảy máu ở chỗ khác vị trí tiêm

Các trường hợp cần gọi 119 hoặc đến phòng cấp cứu sau khi tiêm:

  • Khó thở hoặc chóng mặt nặng
  • Xuất hiện triệu chứng sưng môi, sưng mặt, dị ứng khắp người
  • Đột ngột bất tỉnh hoặc ngất xỉu

Người cần lưu ý khi được tiêm chủng

Người tương ứng với những nội dung sau thì cần lưu ý khi tiêm chủng. Hãy thông báo cho bác sĩ khi chẩn khám trước khi tiêm chủng nếu nhận thấy tình trạng của bạn tương ứng với bất kỳ điều nào dưới đây.

  • Người đang điều trị chống đông máu, người mắc chứng giảm tiểu cầu hoặc rối loạn đông máu
  • Người trước đó từng được chẩn đoán bị suy giảm hệ miễn dịch hoặc người có họ hàng gần bị suy giảm hệ miễn dịch bẩm sinh
  • Người có bệnh lý nền như bệnh tim, thận, gan, bệnh về máu, rối loạn phát triển
  • Người đã từng tiêm vắc xin trước đó và gặp các triệu chứng nghi ngờ là dị ứng như sốt, phát ban toàn thân trong vòng 2 ngày sau khi tiêm chủng phòng ngừa
  • Người trước đây đã từng bị co giật
  • Người có nguy cơ bị dị ứng với thành phần của vắc xin
  • Người đang mang thai hoặc có khả năng đang mang thai, người đang cho con bú thì nhất định hãy thông báo với bác sĩ khi chẩn khám trước khi tiêm chủng.

Trường hợp không nên tiêm vắc xin

Những trường hợp sau không nên hoặc cần chẩn đoán của bác sĩ trước khi tiêm vắc xin:

  • Trường hợp đã có phản ứng dị ứng nghiêm trọng như sốc phản vệ (phản ứng dị ứng nghiêm trọng với các triệu chứng như sốc, khó thở, mất ý thức, sưng môi/họng, phát ban nặng trên toàn thân) với bất kỳ thành phần nào của vắc xin COVID-19
  • Vắc xin Pfizer, Moderna được chống chỉ định tiêm cho các trường hợp có tiền sử phản ứng dị ứng nghiêm trọng với polyethylene glycol (PEG), thành phần liên quan hoặc polysorbate. Polyethylene glycol (PEG) được tìm thấy trong các sản phẩm như thuốc, sản phẩm chuẩn bị để nội soi ruột (chất làm sạch đường ruột), si-rô trị ho, mỹ phẩm, sản phẩm y tế dùng cho da và trong phẫu thuật, kem đánh răng, dung dịch ngâm ống kính và kính áp tròng…
  • Trường hợp đã có phản ứng dị ứng nghiêm trọng như sốc phản vệ (phản ứng dị ứng nghiêm trọng với các triệu chứng như sốc, khó thở, mất ý thức, sưng môi/họng, phát ban nặng trên toàn thân) sau khi tiêm vắc xin COVID-19 lần 1
  • Có tiền sử dị ứng với thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm hoặc các loại vắc xin khác
  • Không khuyến cáo phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 18 tuổi tiêm ngừa cho đến khi có kết quả nghiên cứu lâm sàng về tính an toàn và hiệu quả sau khi tiêm ngừa (có thể thay đổi theo giấy phép trong nước với từng loại vắc xin)

Vắc xin COVID-19 có thể gây mắc bệnh COVID-19 không?

Không có vắc xin COVID-19 nào ở Hàn Quốc được cấp phép và khuyên dùng mà chứa virus còn sống gây bệnh COVID-19. Điều này có nghĩa là vắc-xin COVID-19 không thể gây nhiễm bệnh COVID-19.

Vắc xin COVID-19 dạy cho hệ miễn dịch của chúng ta cách nhận biết và chiến đấu với chủng virus gây bệnh COVID-19. Có đôi khi, quy trình này có thể gây ra các triệu chứng chẳng hạn như sốt, nhưng các triệu chứng này là bình thường và là những dấu hiệu cho thấy cơ thể đang hình thành khả năng miễn dịch chống lại virus gây bệnh COVID-19.

Thông thường phải mất vài tuần sau khi tiêm chủng để cơ thể phát triển khả năng miễn dịch (bảo vệ khỏi virus gây bệnh COVID-19). Điều này có nghĩa là một người có thể bị lây nhiễm virus gây bệnh COVID-19 ngay trước hoặc sau khi tiêm chủng và vẫn sẽ bị bệnh. Đây là do vắc xin chưa có đủ thời gian để cung cấp sự bảo vệ.

Tiêm chủng xong có nguy cơ bị lây nhiễm COVID-19 không?

Hiệu quả của vắc xin phòng COVID-19 đã được thế giới công nhận. Tuy nhiên, không một loại vắc xin nào đạt hiệu quả 100%, tức người đã hoàn thành tiêm chủng vẫn có nguy cơ bị lây nhiễm COVID-19.

Tuy nhiên, nếu tiêm vắc xin rồi mà mắc COVID-19 thì bệnh sẽ nhẹ đi rất nhiều, sẽ giảm nguy cơ biến chứng hoặc tử vong so với trường hợp chưa tiêm vắc xin.

Trong giai đoạn chưa thể phổ cập tiêm chủng 100% ở Hàn Quốc nói riêng, thế giới nói chung thì người đã tiêm 1 mũi hay 2 mũi vẫn có thể bị nhiễm và là nguồn lây cho những người khác. Vì vậy, người được tiêm vẫn cần thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang, thực hiện khử khuẩn, giữ khoảng cách, không tập trung đông người, khai báo y tế.

Vắc xin COVID-19 có ảnh hưởng tới việc mang thai không?

Hiện không có bằng chứng cho thấy việc tiêm chủng vắc xin COVID-19 gây ra bất kỳ vấn đề nào đối với việc mang thai, kể cả sự phát triển của nhau thai. Ngoài ra, không có bằng chứng cho thấy tác dụng phụ của vắc xin, kể cả vắc xin ngừa COVID-19 liên quan tới các vấn đề về thụ thai.

Giống như tất cả các loại vắc xin khác, các nhà khoa học đang nghiên cứu kỹ lưỡng về vắc xin COVID-19 để phát hiện các tác dụng phụ hiện tại và sẽ tiếp tục nghiên cứu chúng trong nhiều năm nữa.

Chính sách bồi thường của chính phủ Hàn Quốc

Ngày 10/5/2021, Giám đốc Uỷ ban Phòng chống Dịch bệnh Quốc gia Jung Eun Kyung cho biết sẽ hỗ trợ tối đa 430 triệu KRW/ người cho các trường hợp bị tàn tật hoặc tử vong sau khi tiêm chủng, nhưng với điều kiện phải chứng minh được “tính nhân quả” giữa việc tiêm vắc xin và nguyên nhân tử vong.

Tính từ ngày bắt đầu tiêm chủng (26/2/2021) đến ngày 17/5/2021, ở Hàn Quốc đã có 123 trường hợp tử vong sau khi tiêm chủng, nhưng đều chưa chứng minh được rõ ràng mối liên quan giữa nguyên nhân tử vong với vắc xin COVID-19. Vì vậy mà những trường hợp bị biến chứng hay tử vong sau khi tiêm vắc xin đều không nhận được hỗ trợ chi phí y tế đặc biệt nào.

Tuy nhiên, từ ngày 17/5/2021 (chính phủ Hàn Quốc đã có sự điều chỉnh về chính sách bồi thường như sau:

  • Ghi nhận mối quan hệ nhân quả: Khi xác định được quan hệ nhân quả của việc tiêm phòng và phản ứng bất lợi thì chính phủ sẽ bồi thường theo từng mức độ nghiêm trọng của bệnh tình.
  • Không chứng minh đủ quan hệ nhân quả: Đối với những bệnh nhân bị bệnh nặng không được bồi thường do không chứng minh được quan hệ nhân quả và không đủ dữ liệu hỗ trợ, thì chính phủ vẫn sẽ bồi thường 10 triệu KRW cho mỗi ca bệnh.
  • Không công nhận quan hệ nhân quả: Ngay cả những trường hợp không được công nhận quan hệ nhân quả sẽ vẫn được chính phủ hỗ trợ theo hình thức: Hỗ trợ khẩn cấp từ 3~6 triệu KRW tuỳ theo tiêu chuẩn thu nhập, hỗ trợ chi phí y tế:từ 20~30 triệu KRW tuỳ theo tiêu chuẩn thu nhập

Nhận giải đáp thắc mắc về tiêm chủng ở đâu?

Người nước ngoài nếu thắc mắc về thông tin tiêm chủng (có thể liên hệ đến một trong các trung tâm sau:)

  • Cơ quan quản lý dịch bệnh Hàn Quốc (☎ 1339)
  • Trung tâm hỗ trợ gia đình đa văn hóa (☎ 1577-1366)
  • Trung tâm tư vấn người nước ngoài (☎ 1577-0071)
  • Trung tâm thông tin tổng hợp dành cho người nước ngoài (☎ 1345)

Tổng hợp từ NCV

Đánh giá bài viết post
error: Muốn copy nội dung từ website này, vui lòng liên hệ admin Hội Nhập Hàn Quốc, xin cảm ơn!!