Học thạc sĩ tại Hàn Quốc là lựa chọn được nhiều bạn lựa chọn sau khi tốt nghiệp Đại học tại Việt Nam. Đây có lẽ là con đường ngắn nhất giúp bạn có được visa cư trú dài hạn (tự thân) tại Hàn Quốc. Tức là, sau khoảng 2 năm học thạc sĩ và tốt nghiệp, bạn có thể xin visa E7 hoặc F2-7, và sau khi tốt nghiệp và làm việc được 3 năm, bạn có thể xin được thẻ xanh với visa F5-10. Như vậy, con đường sẽ là 5 năm để có thẻ xanh. Bạn sẽ tiết kiệm thời gian hơn rất nhiều so với việc đi từ visa học tiếng D4 lên.
Tham khảo:
Hãy cùng xem chia sẻ của 1 bạn Du học sinh trong hành trình 2 năm chuẩn bị và 5 tháng hoàn thành luận văn học thạc sĩ tại Hàn Quốc Khoa giáo dục tiếng Hàn – 전북대학교 các bạn nhé:
Chào mọi người mình là Nam, đã hoàn thành khoá luận tốt nghiệp học thạc sĩ tại Hàn Quốc chuyên ngành giáo dục tiếng Tiếng Hàn. Nay mình viết bài này với mong muốn có thể giúp ích cho các hậu bối không chỉ khoa mình mà còn các khoa khác trong quá trình viết luận mà mình đã đúc rút ra được trong quá trình viết luận.
Các khoa sẽ có các trình tự bảo vệ luận đôi chút khác nhau nhưng thường về cơ bản sẽ vẫn giống nhau nha, đối với khoa mình phải trải qua 4 vòng:
- 지도교수 신청: Đăng kí giáo sư hướng dẫn
- 초록발표: phát biểu lần 1 – sơ lược
- 본발표: phát biểu lần 2 – chính thức
- 최종심사: thẩm định luận lần cuối
I. Các bước để làm luận văn khi học thạc sĩ tại Hàn Quốc
1. 지도교수 신청(Đăng kí giáo sư hướng dẫn):
Ngay từ kì 1 vào học phải nghĩ xem mình sẽ viết về chủ đề nào, chọn chủ đề mà mình muốn viết rồi viết 목차 cũng như kế hoạch sẽ triển khai luận ra sao.
Sau đó cuối kì 1 ~ đầu kì 2 sẽ là thời gian đăng kí giáo sư hướng dẫn. Lúc này các bạn phải tìm hiểu giáo sư (chuyên ngành, Phương pháp hướng dẫn, vv) để chọn giáo cho phù hợp, sau đó đưa giáo sư xem kế hoạch viết luận và trình bày, nếu giáo sư ok thì chúc mừng bạn đã có giáo sư hướng dẫn.
—> Bước này là quan trọng nhất nha, chọn sai 1 li là đi 1 dặm nha
2. 초록발표(phát biểu lần 1 – sơ lược):
Ở bước này, bạn sẽ được bắt đầu vào đầu kì 4 (Tức đầu tháng 3 hoặc tháng 9)
—> điều kiện phát biểu: luận đã viết đc trên 80% và được giáo sư cho phép (có thể tuỳ trường tuỳ khoa, nhưng khoa mình là vậy). Sẽ có 3 giáo sư nghe và đưa cho bạn lời khuyên (1 giáo sư hướng dẫn + 2 giáo mà giáo sư hướng dẫn nhờ)
– Chính vì điều này mà các bạn phải bắt đầu viết luận ngay sau khi chọn giáo sư xong ở đầu kì 2 (đặc biệt là khoa mình, không tìm hiểu luôn là thôi quãng đường sau đớn đau vô cùng.
– Hãy sử dụng mọi mối quan hệ (tiền bối, bạn bè) để tìm hiểu dần về luận văn của nhé. Bởi thời gian đầu các giáo chưa hướng dẫn mình ngay đâu.
3. 본발표 (phát biểu lần 2 – chính thức):
Lúc này là luận phải tương đối hoàn chỉnh rồi. 3 giáo sư sẽ lại đưa ra lời khuyên (hoặc táp thẳng mặt) những chỗ thiếu sót.
4. 최종심사 (thẩm định luận lần cuối):
- Phát biểu sẽ ít hoặc gần như không phát biểu. Đây như là buổi thông báo của 3 giáo sư xem bạn có được thông qua hay không. (Điều kiện thông qua khoa mình: 2/3 người đồng ý, và số điểm luận trên 80, mức độ sao chép dưới 10% – là % mà các bạn lấy từ luận văn người khác).
- Các thầy sẽ chấm luận của bạn dựa vào việc bản sửa luận ra sao từ lần phát biểu chính thức, có làm theo lời các giáo chỉ hay không.
- Nếu thông qua thì chúc mừng bạn đã tốt nghiệp, còn không thì…. (và dù có thông qua nếu vẫn còn những phần cần thêm, giáo sư hướng vẫn sẽ bắt các bạn sửa tiếp. Bao giờ giáo ok thì bạn mới được nộp lên trường)
II. Những lưu ý khi làm luận văn khi học thạc sĩ tại Hàn Quốc
Ở phần 1 là các bước để bảo vệ luận, tiếp theo sẽ đi sâu vào các lưu ý khi các bạn viết luận: tóm gọn ở 1 chữ ’SỬA’: sửa đam mê, sửa nghiệt ngã, sửa đớn đau, sửa đến tận lúc 최종심사 xong rồi vẫn sửa.
Chi tiết như sau:
1. Phần 서론(mở bài)
– 목적과 필요성(mục đích và tính cần thiết)
- Không viết những nội dung không mang tính học thuật (Mối quan hệ sâu sắc giữa Việt Nam Hàn Quốc; Công ty Hàn Quốc vào Việt Nam, vv). Mình cũng đã viết vậy và ăn chửi te tua
- Lấy nội dung trọng tâm từ chính chủ đề của bạn. VD chủ đề của mình là: 영화를 활용한 한국어 억양 교육 방안 -베트남 북부 출신 초급 한국어 하급자를 대상으로- thì phải dựa vào đây để viết những nội dung chính như: Ngữ điệu tiếng Hàn; tình trạng giáo dục ngữ điệu tiếng Hàn; Ứng dụng phim ảnh trong giáo dục tiếng Hàn; Tại sao lại chọn học sinh xuất thân ở miền Bắc; vv
- Phần này bao giờ xong luận đi rồi viết cũng được nhé. Như giáo mình nói là viết phần này trước nó không có hợp lí. Phải hoàn thành luận đi đã lúc đó viết về mục đích và tính quan trọng sẽ chính xác hơn.
2. 서론 – 선행연구 (Nghiên cứu tham khảo)
- Chia ra thành các chủ đề bám sát vào chủ đề của luận văn (tóm tắt 1 luận đừng dài quá, ngắn gọn đủ ý là được)
- Phải rút ra được điểm thiếu sót của từng luận văn —> từ đây để mình đưa ra hướng đi mới giải quyết được các vấn đề này
3. 서론 – 대상 및 방법 (đối tượng và phương pháp)
- 대상: Đi sâu vào phân tích đối tượng của luận, nên chọn đối tượng có thể nghiên cứu bên Hàn để dễ cho việc nghiên cứu
- 방법: chủ yếu là việc bạn 요약 lại Phần chương 3,4 trả lời cho câu hỏi bạn đã làm thế nào.
4. 본론(Thân Bài)
Thân bài là phần quan trọng nhất
- 배경지식(Kiến thức nền tảng): Đưa ra được lý luận, Kiến thức cơ bản tổng quan cho chủ đề đã chọn một cách chi tiết
- 실험분석(phân tích điều tra thực tế): Để có được kết quả số liệu mà phân tích thì cần phải tiến hành điều tra khảo sát qua mạng (설문조사) và tiến hành điều tra lấy đối tượng cụ thể (본실험). Phải đưa ra đc phiếu điều tra chuẩn có sự thông qua của giáo sư trước khi tiến hành điều tra, đối tượng điều tra phải rõ ràng phù hợp với chủ đề. Phân tích phải làm nổi bật lên được vấn đề mà bản thân đang muốn hướng tới giải quyết. Để từ đó có cơ sở để đưa ra hướng đi riêng mà chỉ luận mình mới có.
- 방안(phương án): Từ nền tảng phân tích ở trên, cộng thêm tìm hiểu về các phương án, mô hình vận hành trước đó để đưa ra được một phương án có tính khả thi, logic, lí luận.
- 검증조사(điều tra kiểm chứng): phần này không nhất thiết phải thực hiện, tuy nhiên nếu có thì sẽ được đánh giá luận rất cao do có căn cứ thực tế chứng minh cho phương án đã đưa ra ở trên.
5. 결론(Kết luận):
Tóm tắt lại nội dung của cả bài.
6. 참고문헌(Tài liệu tham khảo):
Cái này mỗi trường, mỗi khoa, thậm chí mỗi giáo sẽ có cách làm khác nhau. Nên khi viết phần này phải tham khảo thật kĩ ý kiến của giáo sư hướng dẫn cho các bạn.
Bài viết của mình đến đây đã rất dài rồi, mong rằng một chút kinh nghiệm này sẽ giúp ích được cho các bạn trong quá trình chinh phục tấm bằng thạc sĩ. Đừng nản lòng nhé, từ từ đi từng bước rồi sẽ xong luận thôi. (mình viết chủ đề cũ đến chương 3 rồi mà giáo bảo là không hay, không đi xa được nên phải đổi chủ đề viết lại tiếp mới tốt nghiệp được, nên bị ra trường muộn nè ㅠㅠㅠㅠ)
Note:
Hành trình chinh phục tấm bằng khi học thạc sĩ tại Hàn Quốc không trải đầy hoa hồng như mọi người vẫn tưởng tượng trước khi đến đất nước tươi đẹp này. Tuy nhiên, qua những sự cố gắng và nỗ lực, bạn vượt qua được giới hạn bản thân và lấy được tấm bằng là sự khẳng định năng lực của mình. Lấy được tấm bằng tại Hàn Quốc mới chỉ là bước khởi đầu trên hành trình đi đến thành công, Hội Nhập Hàn Quốc cảm ơn những chia sẻ và chúc bạn Nam thuận lợi trên con đường sắp tới.
Liên hệ Hanvietair nếu bạn cần tư vấn thủ tục xuất nhập cảnh và vé máy bay giá rẻ chặng Hàn-Việt nhé
Bài viết liên quan:
Kinh nghiệm học thạc sĩ ở Hàn Quốc: trường nữ EWHA
Mình nhập học thạc sĩ chuyên ngành Giáo dục ti...
1.133 sinh viên y khoa Hàn Quốc nghỉ học… Phong tr...
Khi các sinh viên y khoa Hàn Quốc phản đối việc mở...
Lễ tốt nghiệp Đại học INHA tháng 2 năm 2024... 359...
Đại học Inha đã tổ chức lễ tốt nghiệp tháng 2 năm ...
Hướng dẫn gia hạn visa D2 online
Bạn hoàn toàn có thể gia hạn visa D2 online mà k...