5 bước nhập tịch dành cho cô dâu Việt tại Hàn Quốc

Ảnh: Bằng chứng nhận quốc tịch (국적 증명서)
Ảnh: Bằng chứng nhận quốc tịch (국적 증명서)

Xin chào các bạn!

Sau đây là chia sẻ của một bạn về các bước để nhập quốc tịch dành cho cô dâu Việt lấy chồng Hàn. Các bạn không phải là cô dâu cũng có thể dùng bài viết này làm tài liệu tham khảo. Bài viết tuy dài nhưng rất nhiều thông tin bổ ích. Bạn nhớ đọc hết nhé !

Nhập quốc tịch Hàn (귀화) có nhiều diện và mình nhập theo diện phụ nữ di trú kết hôn F-6. Phụ nữ di trú kết hôn muốn nhập quốc tịch Hàn hiện nay theo như hiểu biết của mình thì có hai cách.

– Cách 1: Là theo cách truyền thống cũ, chờ đủ 2 năm, nộp hồ sơ nhập tịch lên Cục quản lý xuất nhập cảnh (출입국관리사무소) rồi chờ ngày gọi thi phỏng vấn, thi đậu rồi chờ ngày ra giấy chứng nhận nhập tịch.

– Cách 2: Là theo cách hiện nay nhiều bạn đang làm là học chương trình Hòa Nhập Xã Hội KIIP – 사회통합 프로그램 sau đó thi để lấy chứng chỉ tốt nghiệp rồi nộp hồ sơ nhập tịch lên Cục quản lý xuất nhập cảnh và chờ tới ngày ra giấy chứng nhận nhập tịch.

Lưu ý: Dù nhập tịch theo cách nào thì HỒ SƠ NHẬP TỊCH cũng tương tự như nhau nhé !

I. LÀM THEO CÁCH 1 (Nhập tịch dành cho cô dâu Việt).

CÁC BƯỚC CỤ THỂ NHƯ SAU:

Bước 1: Chờ đủ 2 năm rồi chuẩn bị hồ hồ sơ thi quốc tịch để nộp lên Cục quản lý xuất nhập cảnh nơi bạn đang sinh sống. Lệ phí 300.000 won (được thi 2 lần).

Bước 2: Chờ tin nhắn báo ngày giờ, địa điểm thi, rồi đi thi.

Bước 3: Chờ tin nhắn thông báo xem mình thi đỗ hay trượt:

  • Nếu trượt: Đăng ký thi lại lần 2
  • Nếu đỗ: Thì chờ họ xét hồ sơ, điều tra thêm trước khi thông báo cho phép nhập tịch. Thời gian chờ đợi cũng từ khoảng 3 tháng đến 1 năm rưỡi tùy theo.

Bước 4: Chờ đợi ngày thông báo mình đã được chấp nhận cho phép nhập tịch và làm các thủ tục sau khi nhập tịch.

Bước 5: Giữ gìn lý lịch trong sạch để không bị tước quốc tịch.

II. LÀM THEO CÁCH 2. CÁC BƯỚC CỤ THỂ NHƯ SAU:

Bước 1: Đăng ký tham gia học chương trình Xã Hội Tổng Hợp – 사회통합프로그램

Bước 2: Tham gia thi xếp lớp, nhập học. thi lên lớp, thi tốt nghiệp chương trình.

Bước 3: Rút giấy tốt nghiệp, chuẩn bị hồ sơ nhập tịch và nộp hồ sơ lên Cục quản lý xuất nhập cảnh nơi mình đang sinh sống. Lệ phí 300.000 won.

Bước 4: Chờ đợi ngày thông báo mình đã được chấp nhận cho phép nhập tịch và làm các thủ tục sau khi nhập tịch.

Bước 5: Giữ gìn lý lịch trong sạch để không bị tước quốc tịch.

Mình nhập quốc tịch theo cách 2. Sau đây mình sẽ hướng dẫn các bạn các bước cụ thể nhé !

BƯỚC 1

Đăng ký tham gia học chương trình Hòa Nhập Xã Hội사회통합프로그램

– Các bạn có thể nhờ chồng, bạn thân hoặc thầy cô giáo ở Trung tâm đa văn hóa đăng ký giúp.

BƯỚC 2

Thi xếp lớp & nhập học + thi giữa chặng + thi tốt nghiệp chương trình

1. Thi xếp lớp – 사전평가 & Nhập học – 입학하기

  • Đăng ký xong rồi thì bạn có thể mua sách về ôn thi trong lúc chờ đợi đến ngày thi.
  • Tên sách: 사회통합프로그램 사전평가
  • Trong ngày thi bạn nhớ đến sớm tìm phòng thi và chỗ ngồi, tìm hiểu về các vấn đề có liên quan.
  • Thi có tất cả 2 phần: thi trắc nghiệm (trước) + thi phỏng vấn (sau).
  • Khoảng 1 tuần sau ngày thi thì có thông báo điểm. Thông thường thi vào chiều Thứ 7 và Thứ 6 tuần sau sẽ có kết quả. Tùy thuộc vào số điểm bạn đạt được người ta sẽ xếp lớp cho bạn: 60 điểm trở lên thì học lớp 4, 80 điểm trở lên học Lớp 5.
  • Sau đó chờ đến ngày có lịch học để chọn địa điểm và thời gian mà mình mong muốn. Có 2 hình thức học là: Ra trường học hoặc học Online. Nhớ căn giờ để đăng ký không người ta đăng ký hết chỗ đấy. Các trung tâm họ chỉ nhận có số lượng.
  • Không phải trung tâm nào cũng dạy những khung giờ giống nhau. Có nơi dạy sáng, có nơi dạy chiều, có nơi chỉ dạy vào thứ 7&CN.
  • Đăng ký nơi học xong rồi thì chờ đến ngày rồi đi học. Sách thì cô giáo bán cho hoặc bạn tự mua cũng được.

2. Thi giữa chặng – 중간평가

Ảnh: Bằng thi hết Lớp 4 - người ta không phát bằng, mình thích thì tự in ra(nhấn vào ảnh để xem rõ hơn)
Ảnh: Bằng thi hết Lớp 4 – người ta không phát bằng, mình thích thì tự in ra (nhấn vào ảnh để xem rõ hơn)
  • Thi chuyển lớp từ lớp 1 lên 2, lớp 2 lên 3, lớp 3 lên 4 mình chưa thi nhưng nghe nói là không khó lắm và được tổ chức tại nơi bạn học. Hình thức thi giống như kỳ thi xếp lớp. Các bạn chỉ cần chăm chỉ học những nội dung có trong sách học chính + sách bài tập là có thể thi đậu nhé. Đừng lo lắng quá mà đi mua tài liệu linh tinh thêm tốn tiền.
  • Đáng lưu ý là kỳ thi Đánh Giá Trung Gian – 중간평가 (thi hết lớp 4 lên lớp 5). Bạn nên ôn hết tất cả những kiến thức đã học từ lớp 1 —> lớp 4 chứ không phải chỉ học lớp 4. Nhớ luyện viết nhiều vào vì kỳ thi này có phần viết 100 từ. Bạn cũng có thể mua thêm bộ đề ôn về đi luyện đi luyện lại cho chắc kiến thức nhé ! Tên sách: 사회통합프로그램 중간평가
  • Chú ý: Lớp 1&2&3&4 mỗi lớp học 100 giờ (khoảng từ 3 – 3,5 tháng)

Tổng hợp về chương trình KIIP

3. Thi tốt nghiệp chương trình – 종합평가
Ảnh: Bằng thi hết Lớp 5 - người ta không phát bằng, mình thích thì tự in ra(nhấn vào ảnh để xem rõ hơn)
Ảnh: Bằng thi hết Lớp 5 – người ta không phát bằng, mình thích thì tự in ra (nhấn vào ảnh để xem rõ hơn)

– Đây là kỳ thi khó nhất trong chương trình này. Kiến thức tổng hợp tất cả những gì bạn đã học từ lớp 1 đến lớp 5.

– Kỳ thi này có 3 phần: Trắc nghiệm chọn câu + Thi viết đoạn văn 200 từ theo chủ đề + Thi phỏng vấn & Hát Quốc Ca

– Nói khó thì thật là rất khó nhưng chịu khó học là sẽ qua thôi.

– Cách ôn thi: toàn bộ nội dung có trong sách Lớp 5 + ôn lại phần văn hóa và thông tin của sách Lớp 1~4. Nếu thấy chưa ổn có thể mua thêm bộ đề về làm đi làm lại cho chắc.

Tên sách: 사회통합프로그램 종합평가

Chú ý: Lớp 5 học trong 50 giờ (영주용) & 70 giờ (귀화용). (khoảng từ 2,5 tháng)

BƯỚC 3

Rút giấy tốt nghiệp + chuẩn bị hồ sơ nhập tịch + nộp hồ sơ lên Cục quản lý xuất nhập cảnh nơi mình đang sinh sống.

1. Rút giấy tốt nghiệp:

– Nếu thi đỗ (60 điểm trở lên) có nghĩa là bạn đã hoàn thành xong khóa học. Chứng chỉ của bạn được lưu trong Trang cá nhân của bạn – 마이페이지. Bạn có thể nhờ chồng in một bản ra làm kỷ niệm. Sau khi bạn hoàn thành xong khóa học, bên Cục quản lý XNC họ sẽ lưu kết quả vào hồ sơ cá nhân của bạn. Vì thế khi làm hồ sơ nhập tịch, bạn có thể không cần phải nộp kèm bằng chứng nhận tốt nghiệp này cũng được.
– Nếu thi trượt (59 điểm trở xuống) bạn sẽ phải thi lại. Tối đa là thi 3 lần. Sau khi thi 3 lần mà vẫn không đỗ được người ta vẫn công nhận cho bạn hoàn thành khóa học. Tuy nhiên lúc đăng ký nhập quốc tịch bạn vẫn phải tham gia kỳ thi phỏng vấn. Vì vậy nên đằng nào cũng mất công học. Cố gắng thi đỗ nhé 😊
2. Hồ sơ chuẩn bị gồm những giấy tờ cơ bản như sau:

2.1 Chuẩn bị tại Việt Nam

2.2 Chuẩn bị tại Hàn Quốc
  • Đơn đăng ký xin nhập quốc tịch (Dán 1 ảnh màu 3,5cm x4,5cm, có thể tải xuống từ trang Web)
  • Bản chính và bản sao của hộ chiếu, giấy chứng minh thư tại quốc gia của người đăng ký
  • Giấy chứng minh quan hệ gia đình, giấy chứng minh cơ bản, giấy chứng nhận quan hệ hôn nhân(chi tiết), giấy chứng minh nhân dân của người bạn đời người Hàn Quốc mỗi thứ 1 bộ
  • Nộp thêm giấy chứng minh quan hệ gia đình của tên con cái trong trường hợp sinh con cái khi đang trong hôn nhân
  • Giấy tờ xác nhận rằng người đó hoặc gia đình sống chung có khả năng chi trả chi phí sinh hoạt
  • Chứng minh tài khoản có trên 30 triệu là tên của gia đình cùng chung sống hay bản thân
  • Bản sao và bản chính Hợp đồng thuê bất động sản hoặc Bản sao có chứng thực Đăng ký Bất động sản liên quan (bản chính) trên 30 triệu won
  • Tài liệu chứng nhận thu nhập ổn định như giấy chứng minh đang làm việc (đính kèm bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của người chủ) của người bạn đời hay bản thân
  • Cam kết
  • Trường hợp cắt đứt quan hệ hôn nhân với bạn đời Hàn Quốc cần phải có giấy chứng minh cho việc này.
  • Trường hợp chồng (vợ) là người Hàn Quốc bị mất tích thì phải có bản tuyên bố mất tích, trường hợp tử vong thì phải có giấy chứng tử. Trường hợp đã ly hôn hoặc ly thân với chồng (vợ) là người Hàn Quốc thì phải có bản tuyên án của Toà án với nội dung lỗi thuộc về người chồng (vợ) là gười Hàn Quốc.
  • Trường hợp nuôi dưỡng con cái sau khi gián đoạn hôn nhân với vợ/ chồng người Hàn Quốc phải nộp Giấy Chứng nhận Quan hệ Gia đình đứng tên con người Hàn Quốc và giấy tờ có thể xác nhận sự thật được việc đang nuôi dạy con hoặc phải nuôi dạy con.

✋Giấy tờ chuẩn bị khá loằng ngoằng và phức tạp nên có thể nhờ bên dịch vụ làm giúp tnhé. Nhờ tìm chỗ uy tín mà làm.

3. Nộp hồ sơ đăng ký nhập tịch.

  • Lệ phí 300.000won (tiền mặt)
  • Sau khi chuẩn bị xong hết giấy tờ cần thiết bạn mang hồ sơ nên Cục quản lý xuất nhập cảnh nơi ban sinh sống để nộp.
  • Khi nộp bạn nhớ hỏi là: “Tôi sẽ phải chờ trong bao lâu? – 언제까지 기다리면 돼요?”

BƯỚC 4

Chờ đợi ngày thông báo được cho phép nhập tịch và làm các thủ tục sau khi nhập tịch.

1. Chờ đợi ngày thông báo được cho phép nhập tịch

  • Chờ bao lâu? Tùy nhé bạn. 3 tháng, 6 tháng, hay 1 năm… như trường hợp của mình là 1 năm rưỡi. Vì mình đã nộp vào lúc vừa qua Hàn được 2 năm và chưa có con. Nếu có con và qua Hàn lâu rồi thì hồ sơ của bạn sẽ được ưu tiên giải quyết nhanh hơn nhé !
  • Trước khi đồng ý cho bạn nhập tịch, bên Cục quản lý XNC họ sẽ cho người đi điều tra. Gần ngày ra kết quả họ sẽ liên lạc với bạn để gặp mặt bạn. Cũng có trường hợp họ chẳng báo trước mà bất ngờ ập đến nhà bạn để kiểm tra. Như trường hợp của mình là trước ngày ra kết quả họ đã điện thoại trước cho mình và hẹn sẽ đến nhà mình. Ngay tối ngày hôm đó họ đến và chụp ảnh nhà mình và hỏi đủ thứ.
  • Khoảng 1 tháng sau mình nhận được tin nhắn thông báo cho phép nhập tịch.

2. Làm các thủ tục sau khi nhập tịch

  • Nhận được tin nhắn thông báo
  • Nhận được tin nhắn thông báo là mời đến dự buổi lễ trao tặng chứng nhận nhập tịch rồi bạn cần sắp xếp công việc để trực tiếp đến dự buổi lễ. Nếu vì lý do gì đó không thể đến được vào ngày trao tặng bằng, bạn cần thông báo cho bên Cục quản lý XNC để họ biết.
Đi nhận chứng nhận nhập tịch
Lúc đi nhận bằng bạn cần làm những việc sau:
  • Chuẩn bị 1 đến 2 tấm ảnh 3*4
  • Cầm ít tiền mặt theo
  • Tham dự lễ xong bạn cần điền vào cam kết không sử dụng quốc tịch Việt Nam tại Hàn Quốc – 외국국적불행사 서약서획인서. Nếu bạn làm thế họ sẽ cho phép bạn giữ lại quốc tịch Việt Nam.
  • Trả thẻ đăng ký người nước ngoài.
  • Khoảng 1 tuần sau thì ra phường đăng ký làm chứng minh thư Hàn.
Ra phường – 주민센터 đăng ký làm chứng minh thư
Cần chuẩn bị những thứ sau:
  • Ảnh để làm chứng minh thư (ra hiệu ảnh chụp bảo họ là chụp ảnh làm chứng minh thư).
  • Tờ cam kết không sử dụng quốc tịch Việt Nam tại Hàn Quốc – 외국국적불행사 서약서획인서 (mình vừa nói ở trên)
  • Nếu không có chồng hoặc người nhà chồng đi cùng để ký thì bạn cần mang theo con dấu của chồng theo.
  • Chờ khoảng 2 tuần, đến 3 tuần. Họ sẽ xin số di dộng của bạn, khi nào CMT ra họ sẽ nhắn tin cho bạn đến lấy.
Ảnh: Chứng minh thư Hàn với tên Việt Nam (không có âm Hán)
Ảnh: Chứng minh thư Hàn với tên Việt Nam (không có âm Hán)
Đổi tên sang tên Tiếng Hàn
  • Sau khi ra chứng minh thư với tên Tiếng Việt, bạn cần đổi tên sang Tiếng Hàn cho dễ sử dụng vì giờ bạn đã trở thành người Hàn Quốc.
  •  Bạn có thể tự mình lên Tòa án gia đình – 가정법원 để đăng ký đổi tên. Lệ phí lúc mình làm là 58000won.
  • Chờ khoảng 3 tháng sau thì sẽ nhận được tin nhắn từ Tòa án gia đình là đã hoàn thành quá trình đăng ký đổi tên cho bạn.
Chú ý khi đổi tên sang Tiếng Hàn: Trước hết bạn cần tìm một cái tên theo Tiếng Hàn mà bạn cảm thấy ưng ý. Tên theo Tiếng Hàn theo truyền thống thường được đặt kèm nghĩa Hán. Nhưng theo kinh nghiệm đổi tên của mình thì ngày nay nhiều người Hàn chỉ lấy mỗi HỌ theo âm Hán còn TÊN thì không đặt theo âm Hán cũng được nhé. Họ thì nhất thiết phải có âm Hán nhé. (Nhìn ảnh CMT bên dưới của mình).
Sau đó lại tiếp tục ra phường đăng ký làm lại chứng minh thư mới
  • Mang chứng minh thư cũ ra nộp lại và đăng ký làm chứng minh thư mới.
  • Khoảng 2 đến 3 tuần sau là ra CMT có tên Tiếng Hàn.

Chú ý khi làm CMT Hàn với tên theo tiếng Hàn: CMT này là CMT chính thức xác nhận bạn ai, CMT này bạn sẽ mang theo người và cần khi muốn sử dụng các dịch vụ hành chính, ngân hàng, bệnh viện … vì thế nên lần này họ sẽ lấy “dấu vân tay” của bạn.

  • Ảnh: Chứng minh thư Hàn với tên tiếng Hàn (có âm Hán)
    Ảnh: Chứng minh thư Hàn với tên tiếng Hàn (có âm Hán)
  • Làm hộ chiếu Hàn
    • Cầm CMT mới lên quận nơi bạn cư trú để đăng ký làm hộ chiếu Hàn.
    • Lệ phí mất 50.000won cho 10 năm.
    • Đăng ký để họ gửi về nhà cho.
    • Thời gian chờ mất khoảng 1 đến 2 tuần.
    Chú ý khi đi làm hộ chiếu: Bạn cần đến hiệu ảnh và bảo người ta chụp ảnh dùng khi làm hộ chiếu cho. Giá 6 ảnh nhỏ khoảng 20~30k tùy nơi. Và bạn cần nhớ là không được sử dụng hộ chiếu Việt Nam khi đang ở Hàn Quốc. Chỉ dùng hộ chiếu Việt Nam khi chúng ta bay về Việt Nam thôi nhé.
Ảnh: Hộ chiếu Hàn Quốc(có thể nhập cảnh vào 189 quốc gia trên thế giới mà không cần phải xin visa)
Ảnh: Hộ chiếu Hàn Quốc (có thể nhập cảnh vào 189 quốc gia trên thế giới mà không cần phải xin visa)

BƯỚC 5

Giữ gìn lý lịch trong sạch để không bị tước quốc tịch. 😂😂😂

Có được rồi thì phải giữ lấy. Nhiều trường hợp vì vi phạm pháp luật mà đã bị tước quốc tịch nhé !

CHÚC CÁC BẠN NHẬP TỊCH THÀNH CÔNG VÀ NHANH CHÓNG ! 💛

Tham khảo từ hannguseona

Đánh giá bài viết post
error: Muốn copy nội dung từ website này, vui lòng liên hệ admin Hội Nhập Hàn Quốc, xin cảm ơn!!