Du học sinh đi làm thêm (아르바이트): ở quán ăn, chuỗi nhà hàng, giao hàng, xưởng công nghiệp (bao gồm cả xưởng may, xưởng sản xuất…), đã trở thành một phần tất yếu của cuộc sống khi các bạn lựa chọn con đường du học Hàn Quốc. Nhưng bạn đã hiểu rõ nghĩa vụ và quyền lợi của bạn thân khi đi làm thêm hay chưa? Bài viết này sẽ làm rõ.
Tìm việc làm thêm như thế nào?
Sau khi đủ điều kiện để bắt đầu làm thêm (thông thường là 6 tháng sau khi nhập cảnh), Bạn có thể tự tìm việc thông qua các trang web như:
- 알바천국 http://www.alba.co.kr/
- 알바몬 http://m.albamon.com/
- Nhờ bạn bè đang làm tại nơi làm thêm giới thiệu
- Đăng lên các group du học sinh nhờ giúp đỡ (group VSAK) (group việc làm thêm)
- Tìm tới 1 trung tâm giới thiệu việc làm uy tín (thường đế đảm bảo bạn chấp nhận mất phí giới thiệu, các nơi giới thiệu miễn phí thường không tốt lắm)
Ngoài ra, có một cách rất hiệu quả, đó là bạn dành 1 ngày đi lòng vòng các tuyến phố có nhiều tiệm ăn, nhà hàng, các chủ quán thường đăng biển tìm người làm tại cửa ra vào.
Sau khi xin được việc cần phải làm gì
Trước hết, bạn nên hỏi chủ hoặc giám đốc về việc hỗ trợ bạn trong việc đăng ký làm thêm tại cục quản lý XNC (bạn có thể đăng ký online mà không cần tới trực tiếp). Việc làm này có lợi cho cả bạn và chủ. (Tham khảo bài viết hướng dẫn du học sinh đăng ký làm thêm online trên HiKorea)
Du học sinh đi làm có được đăng ký 4대보험 không?
Du học sinh làm thêm cũng là người lao động. Cho nên hoàn toàn có thể đóng 4대보험 khi đi làm và cũng được hưởng chế độ đãi ngộ. Đặc biệt, đối với trường hợp đi làm trên 60 tiếng 1 tháng và chủ sử dụng từ 1 lao động trở lên sẽ mang NGHĨA VỤ tham gia 4대보험. 4대보험 bao gồm
- 국민연금: Tiền lương hưu (Việt Nam không đóng)
- 고용보험: Hỗ trợ đảm bảo sinh hoạt và tìm việc cho người bị thất nghiệp trong thời gian tìm việc mới (không bắt buộc)
- 건강보험: Đảm bảo hỗ trợ chi phí dịch vụ y tế như phòng và điều trị bệnh tật, thương tật cho người lao động (bắt buộc)
- 산재보험: Đảm bảo hỗ trợ và bồi thường cho người lao động trong trường hợp bị nạn trong khi làm việc (bắt buộc với một số ngành nguy hiểm như làm trong công xưởng)
Du học sinh đi làm, thường sẽ làm trên 60 tiếng 1 tháng, nên sẽ thuộc đối tường bắt buộc đóng 4대보험. Tuy nhiên, các chủ nhà hàng, quán ăn, xưởng,… thường không đóng, vì chủ cũng sẽ phải chịu nghĩa vụ 50% (người lao động 50%).
Riêng mục 고용보험 thì người lao động chịu 45%, chủ sử dụng lao động chịu 65%. Cũng cần chú ý, người Việt Nam tại Hàn Quốc sẽ không được hưởng 국민연금 nên nếu chủ tham gia 4대보험 cho bạn, bạn nên nói chủ không đóng mục này.
Kết luận: Du học sinh làm thêm cũng có thể tham gia 4대보험
Du học sinh đi làm có được nhận 퇴직금 (trợ cấp thôi việc) hay không?
퇴직금 là tiền trợ cấp thôi việc mà chủ sử dụng lao động chi trả cho người lao động tại thời điểm thôi việc, sau khi đã làm việc được trên 1 năm. Đối tượng được áp dụng là người làm việc trung bình từ 15 tiếng trở lên trong 1 tuần. Thời gian làm việc sẽ tính bằng trung bình của thời gian làm trong 4 tuần.
Kết luận: Du học sinh làm thêm cũng có thể nhận được 토직금.
Du học sinh đi làm có phải đóng thuế hay không?
Nghĩa vụ đóng thuế áp dụng đối với tất cả người dân sinh sống tại lãnh thổ Hàn Quốc. Người nước ngoài cũng không phải ngoại lệ. Cho dù chủ sử dụng lao động có đăng ký kinh doanh hay không, về mặt nguyên tắc khi bạn đi làm thêm và có nhận tiền công từ việc làm đó thì bạn sẽ có nghĩa vụ đóng thuế là 3.3% trên tổng số tiền nhận được.
Tuy nhiên, đối với người làm thêm dưới 3 tháng, mỗi ngày nhận được dưới 100,000 won thì được miễn thuế.
Kết luận: Du học sinh có thể phải đóng thuế khi đi làm
Du học sinh đi làm có được hoàn thuế hay không?
Sau khi nạp thuế đầy đủ, 3.3% trên tổng thu nhập mỗi tháng, thì tới đợt quyết toán thuế vào tháng 5 hàng năm, bạn có thể được hoàn thuế. Cách đăng ký hoàn thuế (bấm vào đây)
Sau khi quyết toán thuế, kết quả ra là số tiền thuế bạn đã nạp nhiều hơn số quyết toán thì bạn có thể được nhận lại số tiền chênh lệch.
Kết luận: Du học sinh đi làm có thể được hoàn thuế
Có phải chỉ nhận được 퇴직금 khi có ký hợp đồng lao động với chủ hay không?
Thực tế, để ghi lại bằng chứng về thời gian bắt đầu làm việc của bạn, để đảm bảo quyền lợi của bản thân sau này, bạn nên lập hợp đồng lao động với chủ. Nhưng trong trường hợp không có hợp đồng lao động, bạn cũng không cần lo lắng, bạn có thể chứng minh được việc đã lao động trên 1 năm bằng giao dịch chuyển tiền lương hàng tháng, bảng chấm công và các bằng chứng khác chứng minh bạn đã từng lao động tại địa điểm đó.
Du học sinh đi làm bị nợ lương (임금체불) hoặc bị đánh phải làm thế nào?
Trước hết, bạn nên mềm mỏng nói chuyện với chủ hoặc nhờ một người có khả năng giúp đỡ (người Hàn, người Việt giỏi tiếng Hàn và hiểu biết về pháp luật) để nói chuyện nhẹ nhàng với chủ. Trong trường hợp chủ làm căng, dọa sẽ báo lên cục quản lý xuất nhập cảnh là bạn đã đi làm thêm mà không khai báo. Dọa sẽ đuổi bạn về Việt Nam. Thậm chí vô lý hơn là dọa báo cảnh sát… Bạn cũng không cần lo lắng.
Trong trường hợp bất lợi như trên, bạn không cần làm theo bất cứ yêu cầu vô lý nào của chủ. Việc mà bạn có thể làm là:
Đầu tiên, lên sở lao động gần địa chỉ của nơi bạn làm nhất để báo. Bạn nào thành thạo sử dụng máy tính và internet thì có thể vào website của sở lao động liên quan để khai báo online.
Hồ sơ chuẩn bị gồm có:
- 임금체불 진정서 (Tải tại: LINK)
- Thẻ người nước ngoài
- Tìm các bằng chứng về việc bạn đã đi làm tại địa chỉ đó: Nhớ rõ tên chỗ làm, tên chủ, số điện thoại của chủ, ngày vào làm, mức lương, sổ nhận lương, đoạn ghi âm hoặc tin nhắn trao đổi của bạn và chủ…
* Việc khai báo này hoàn toàn miễn phí. Các bạn cũng có thể làm qua mạng với các bước như sau
Sau khi nhận được đơn khai báo của bạn, công chức của sở lao động sẽ liên lạc với chủ để làm việc. Hầu hết các trường hợp do sở lao động giải quyết đều sẽ thành công.
Bạn không cần lo lắng sẽ ảnh hưởng tới visa của bạn, bởi vì bạn đã đi làm mà không xin phép. Sở lao động là cơ quan nhà nước bảo vệ quyền lợi người lao động, chỉ giải quyết các công việc liên quan đến chủ sử dụng lao động và người lao động.
Có cần phải đóng thuế thì mới nhận được 퇴직금 hay không?
Như đã trình bày với bạn ở phần trên, việc đóng thuế và tiền 퇴직금 là hai việc hoàn toàn khác nhau. Bạn đóng thuế là đóng cho nhà nước. Còn tiền 퇴직금 là quyền lợi của bạn được nhận từ chủ sử dụng lao động khi bạn nghỉ việc, sau khi bạn đã làm việc tại đó được trên 1 năm và mỗi tuần làm việc trên 15 tiếng.
Ví dụ cụ thể
Bạn A tới Hàn Quốc học tiếng vào ngày 1 tháng 1 năm 2020, tới ngày 1 tháng 7 năm 2020, có thể đi làm theo quy định đã được cô giáo hướng dẫn. Nhờ 1 chị lớp trên mà bạn được giới thiệu vào một quán gà, chủ đồng ý nhận bạn vào làm. Bạn xin việc vào ngày 10 tháng 7 và sẽ bắt đầu công việc vào ngày 15 tháng 7.
Bạn xin chủ cho bạn hợp đồng lao động và giấy phép kin doanh, giấy xác nhận làm thêm, bạn tới trường để nhờ cô giáo hoàn thành thủ tục đăng ký làm thêm. Tới ngày 15 bạn đi làm. Tới gần cuối tháng bạn tính toán mình đi làm nhận lương cơ bản là 8,590 won, mỗi ngày làm 5 tiếng, mỗi tuần nghỉ 1 ngày chủ nhật, một tháng làm tổng 26 ngày (8,590 * 5 * 26 =1,116,700). Nhưng khi nhận lương thì bạn thấy mình chỉ nhận được 1,879,849.
Bạn nhắn tin hỏi chủ thì được trả lời rằng đó là tiền thuế. Bạn bắt đầu tìm hiểu về thuế thì biết rằng đó là hợp pháp. Sau khi làm được 3 tháng thì bạn lại thấy tiền lương chủ mình bị trừ, lần này bạn thấy bị trừ khá nhiều, bạn hỏi chủ thì được trả lời rằng chủ đã tham gia 4대보험 cho bạn. Bạn tìm hiểu thật kỹ và nhờ chủ bỏ khoản 극민연금 cho. Bạn vui vẻ làm việc ở đó tới khi lên chuyên ngành. Tổng thời gian là hơn 1 năm.
Bạn tìm hiểu thì được biết sẽ được nhận 퇴직금 nhưng chủ lại không trả cho bạn. Bạn có hỏi thì chủ nói bạn là người nước ngoài nên không có. Bạn lên sở lao động (노동청) báo và sau khoảng 1 tháng thì bạn thấy chủ chuyển vào tài khoản của bạn một khoản tiền, tương đương hơn 1 tháng lương. Đó chính là tiền 퇴직금.
Bạn cũng tìm hiểu được là bạn có thể nhận được lại thuế nên đã vào hometax để khai báo theo đúng quy trình. Cuối cùng bạn nhận được lại hầu hết số tiền thuế đã từng đóng.
Một kết thúc có hậu cho bạn du học sinh. Nó không phải tiểu thuyết nhưng bạn cần hiểu rõ nghĩa vụ và quyền lợi của mình thì mới có thể tự bảo vệ mình.
Cần làm gì khi bị ngược đãi tại nơi làm việc?
Đa số các chủ Hàn khá tốt, nhưng có một số người nóng tính có thể có các hành động ngược đãi bạn. Dưới đây là cách đối phó với những tình huống ấy
– Nếu nhận thấy có dấu hiệu xô xát cãi vã thì hãy cố gắng bật ngay chế độ ghi âm hoặc ghi hình ở điện thoại
– Nếu bị đánh hãy gọi ngay cho 112 hoặc chạy ra sở cảnh sát gần nhất để báo (để làm được việc này thì trong thời gian đi làm cần để ý xem các sở cảnh sát có ở đâu)
– Nhờ những người xung quanh giúp đỡ
Sau khi báo cảnh sát thì người đó sẽ như thế nào?
Đa số các vụ bạo hành xảy ra tại nơi làm việc của các bạn du học sinh đều là các vụ nhỏ nên người gây hại-가해자 sẽ không bị xử phạt nếu người bị hại – 피해자 bãi nại (고소 취하) hay còn gọi là đi rút đơn kiện.
Do đó, người gây hại trong các vụ án kiểu này thường sẽ tìm tới người bị hại xin lỗi và đề nghị bãi nại. Lúc này bạn có thể tiếp nhận lời xin lỗi và đi bãi nại. Nhưng bạn cũng có thể đều nghị một khoản tiền bồi thường nho nhỏ cho những gì mà bạn đã phải chịu đựng. Việc thỏa thuận này nên được lập thành văn bản.
Nếu người đó không tìm tới bạn xin lỗi thì sao?
Khả năng này không cao nhưng cũng không phải là không có. Nếu người gây hại thà bị phạt còn hơn xin lỗi bạn thì người đó sẽ bị xử phạt hình sự. Mức phạt dựa vào tổng thể nội dung sự việc và tùy vào cá nhân của từng đương sự mà sẽ khác nhau.
Tuy nhiên, dù bị phạt tiền hay cho hưởng án treo đi chăng nữa thì việc bị phạt vì bạo hành, chửi bới người khác sẽ để lại vết đen trên hồ sơ lý lịch tư pháp của một người. Do đó, đa số sẽ không muốn bị xử phạt mà sẽ tìm cách thỏa thuận được với người bị hại.
Không biết nhiều tiếng Hàn để giải thích về sự việc thì phải làm thế nào?
Thông thường các sở cảnh sát đều có các thông dịch viên có thể liên lạc ngay khi cần thiết. Nhưng đề đề phòng cho trường hợp cần bạn nên học một số từ liên quan khi có việc cần liên lạc cảnh sát. Cụ thể như sau:
고소/신고하고 싶습니다: Tôi muốn tố cáo.
폭행을 당했습니다: Tôi đã bị bạo hành.
모욕을 당했습니다: Tôi đã bị chửi.
(chắc cần phải học thêm mấy câu chửi bằng tiếng Hàn)
협박을 당했습니다: Tôi bị đe dọa.
가해자가 처벌을 받기를 원합니다: Tôi muốn người đó bị xử phạt
가해자와 합의했습니다: Tôi đã thỏa thuận với người gây hại.
고소취하 하기를 원합니다: Tôi muốn bãi nại.
Việc kiện cáo này có ảnh hưởng xấu tới visa hay cuộc sống của bạn tại Hàn Quốc hay không?
KHÔNG CÓ LIÊN QUAN GÌ CẢ!!!
Bạn không có phạm tội, cũng không có làm sai gì thì chắc chắn không ảnh hưởng. Dù bạn có đi làm thêm không đăng ký thì cũng không sao. Cảnh sát sẽ không báo lên cục xuất nhập cảnh là bạn đang đi làm thêm đâu ạ. Bạn là người bị hại và sẽ được bảo vệ.
Ví dụ chia sẻ của một bạn đi làm 알바 và nhận được tiền 퇴직금
- Điều kiện để nhận 퇴직금 là làm đủ/trên 15 tiếng 1 tuần, và làm trên 1 năm. Bất kể là 알바 hay 직원 ( cơ mà trước khi vào làm phải nói chuyện rõ nghỉ việc có 퇴직금 hay không)
- Sau khi chủ thách thức em báo lên bộ(고용노동부) thì em báo thật mọi người ạ. tất nhiên làm online cũng được nhưng em đến tận nơi báo vì như vậy sẽ được giải quyết nhanh hơn
- Em báo xong tầm 2 ngày thì trên bộ bắt đầu hồ sơ rồi liên lạc với chủ. Sau khi liên lạc với chủ xong bộ sẽ điện thông báo cho mình biết. Ngày sau khi đó tầm vài tiếng thì chủ đã nhắn tin xin lỗi và năn nỉ em rút đơn cũng như giảm cho nó 1 ít tiền 퇴직금. Ok em giảm cho 2sip và không lấy tiền lãi (bởi vì sau khi nghỉ việc trong vòng 14 ngày thì tiền lương và 퇴직금 phải được 입금 đầy đủ, nếu quá 14 ngày chưa nhận được tiền, bắt đầu từ ngày 15 tính lãi theo ngày) (theo luật. Sau khi người lao động nghỉ việc. Trong vòng 14 ngày(2 tuần) phải thanh toán lương đầy đủ. Nếu sau 14 ngày ngừoi lao động chưa nhận được tiền. Bắt đầu từ ngày 15 tính lãi theo ngày, đến khi chủ trả lương cho mình + số tiền lãi quá hạn)
- À còn 1 vấn đề nữa mọi người ạ, vì sao đa số là sử dụng lao động ngoại quốc nhiều, vì thực chất, số tiền mà chủ nó trả cho mình không đáng là bao so với 알바 người Hàn cả. Luôn là 1 sự chênh lệch lớn bởi vì nếu thuê người Hàn, họ biết luật, thì việc làm quá 15 tiếng tiếng 1 tuần, mọi người sẽ được thêm 1 ngày lương nữa đó ạ, đó gọi là 주휴수당. Và vì sao nhiều quán kể cả thuê người Hàn, nhưng lại chia nhỏ ra mỗi người làm 2 ngày cũng là vì lí do không phải trả 주휴수당 đó ^^ nhưng mà biết cũng chấp nhận vì mình là phận dhs
- Mọi người ơi đừng sợ vì mình bất hợp pháp hay mình đi làm chui, không đăng kí. Mạnh dạn báo đi ạ. Em tìm hiểu luật kĩ lắm em mới mạnh động như vậy ý =))) vì kể cả không đăng kí đi làm thêm nếu bị 출입국 phát hiện, mình cũng bị phạt nhưng chủ gấp 4-5 lần chứ không phải gấp đôi đâu ạ. Nên không chủ nào dám vậy cả. Bộ có nói với em rằng tiền phạt của chủ có thể lên đến/quá 천만원 vì sử dụng lao động dạng du học sinh quá 1 năm. Mọi ngừoi yên tâm là bộ luôn đứng về phía người lao động nhé ạ ^^ ân cần hỏi han lắm ạ.
- Thêm vào đó, tất cả dạng kinh doanh như vậy nếu dây vào bộ lao động, chỉ cần bị 2 đến 3 đơn tố cáo của người lao động, quán sẽ bị cấm kinh doanh mãi mãi đó ạ ^^ em có lên bộ và may mắn được cô ý tư vấn cho kĩ thêm về luật cũng như 계산 tiền cho em luôn nữa.
Thông tin thêm:
+ Hội Nhập Hàn Quốc là trang thông tin điện tử cung cấp các tin tức, chia sẻ kinh nghiệm cuộc sống hoàn toàn miễn phí dành cho cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc
+ Hội Nhập Hàn Quốc được bảo trợ bởi Hanvietair.com. Tổng đại lý hanvietair là đại lý vé máy bay uy tín, cung cấp vé máy bay giá rẻ chặng Hàn-Việt, Việt-Hàn với số cân ký gửi cao hơn so với bạn mua trên web hãng. Khi mua vé ở Hàn Việt Air, bạn được ngay 2 kiện 46kg hoặc 55kg ký gửi của Vietnamairline, Asiana hoặc Bamboo. Ủng hộ hanvietair cũng chính là ủng hộ Hội Nhập Hàn Quốc để chúng tôi có thể đưa đến nhiều thông tin hữu ích hơn cho cộng đồng. Liên hệ ngay tại link sau m.me/hanvietair247 hoặc hotline: 010-3546-3396