Làm lý lịch tư pháp cho người Việt Nam ở nước ngoài (2024)

Bạn là người Việt Nam đang ở nước ngoài và muốn làm phiếu lý lịch tư pháp? Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn quy trình làm lý lịch tư pháp cho người Việt Nam ở nước ngoài, bao gồm chi phí, hồ sơ cần chuẩn bị, thủ tục, và các phương thức nhanh nhất.

lam ly lich tu phap cho nguoi viet nam o nuoc ngoai 01

Hiện nay, nhu cầu làm lý lịch tư pháp của người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là ở Hàn Quốc, Canada và Mỹ, tăng cao để phục vụ cho nhiều mục đích như xin giấy phép lao động, đăng ký thẻ cư trú ở nước ngoài, và nhiều mục đích khác. Một trong những điều kiện cần thiết để thực hiện các thủ tục này là phải có phiếu lý lịch tư pháp.

Vậy, khi làm lý lịch tư pháp cho người Việt Nam ở nước ngoài, bạn cần chuẩn bị những gì? Điều kiện, thủ tục, và chi phí như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu với Hội Nhập Hàn Quốc!

I. Phiếu lý lịch tư pháp cho người Việt Nam ở nước ngoài

Phiếu lý lịch tư pháp cho người Việt Nam ở nước ngoài là một giấy tờ xác nhận cá nhân không phạm tội trong thời gian ở Việt Nam. Để sử dụng phiếu này ở nước ngoài, bạn cần dịch thuật công chứng và hợp pháp hoá tại cơ quan lãnh sự.

Mọi công dân Việt Nam ở nước ngoài, đã từng có thời gian cư trú tại Việt Nam, đều có quyền yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp số 1 và số 2 của mình.

Có 02 loại phiếu lý lịch tư pháp cho người Việt Nam ở nước ngoài:

  • Phiếu lý lịch tư pháp số 1.
  • Phiếu lý lịch tư pháp số 2.

II. Mục đích khi làm lý lịch tư pháp cho người Việt Nam ở nước ngoài thường bao gồm:

  • Đổi/gia hạn visa (Visa F2, Visa F5 Hàn Quốc)
  • Xin giấy phép lao động.
  • Kết hôn có yếu tố nước ngoài.
  • Xin nhập/thôi/trở lại quốc tịch Việt Nam.

III. Ở đâu có thể làm lý lịch tư pháp cho người Việt Nam ở nước ngoài

Bạn có thể nộp hồ sơ xin cấp lý lịch tư pháp Việt Nam tại Sở Tư pháp của địa phương cư trú trước khi ra nước ngoài, theo quy định tại Điều 44 và 45 Luật lý lịch tư pháp số 28/2009/QH12.

IV. Có thể uỷ quyền cho người nhà tại Việt Nam làm lý lịch tư pháp giúp không?

Liệu bạn có thể ủy quyền cho người thân tại Việt Nam làm lý lịch tư pháp giúp không? Theo quy định tại Điều 45 và 46 Luật lý lịch tư pháp năm 2009, chỉ những cá nhân làm lý lịch tư pháp số 1 mới được phép ủy quyền (phải có văn bản uỷ quyền theo quy định của pháp luật), trong khi những cá nhân yêu cầu cấp lý lịch tư pháp số 2 không được ủy quyền cho người khác làm thủ tục xin cấp phiếu lý lịch tư pháp cho mình.

Chi phí làm lý lịch tư pháp cho người Việt Nam ở Nước ngoài?

Về chi phí, theo quy định tại Điều 4 Thông tư 244/2016/TT-BTC, lệ phí cấp phiếu lý lịch tư pháp được quy định như bảng sau:

STT Nội dung thu Mức thu
1 Phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp 200.000 VNĐ
2 Phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp của sinh viên, người có công với cách mạng, thân nhân liệt sỹ (gồm cha đẻ, mẹ đẻ, vợ (hoặc chồng), con (con đẻ, con nuôi), người có công nuôi dưỡng liệt sỹ). 100.000 VNĐ
3 Phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp của một số trường hợp như trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, người cư trú tại các nơi khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số. Miễn phí

Lưu ý: Nếu yêu cầu cấp từ 3 phiếu lý lịch tư pháp trở lên trong một lần thì phiếu thứ 3 trở đi, sẽ phải nộp thêm 5.000 VNĐ/phiếu.

V. Thủ tục làm Lý lịch tư pháp cho người Việt Nam ở nước ngoài

Người Việt Nam ở nước ngoài có thể yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp Việt Nam theo 04 phương thức sau đây:

  • (1) Trực tiếp tại Sở Tư pháp nơi cư trú trước khi ra nước ngoài;
  • (2) Qua bưu điện;
  • (3) Online/trực tuyến/qua mạng.

Mỗi phương thức đều có ưu và nhược điểm riêng, tuy nhiên dưới đây chúng tôi sẽ chỉ trình bày các phương thức được đánh giá là tiện lợi và nhanh chóng nhất cho người Việt ở nước ngoài. Hãy cùng tìm hiểu.

1. Thủ tục xin cấp phiếu lý lịch tư pháp số 1 cho người Việt Nam ở nước ngoài

Công dân Việt Nam ở nước ngoài có thể ủy quyền cho người thân tại Việt Nam thực hiện thủ tục xin cấp phiếu Lý lịch tư pháp số 1 giúp mình.

Bạn và người thân ở Việt Nam thực hiện 04 bước sau:

Bước 1: Bạn xin giấy uỷ quyền làm Lý lịch tư pháp (nếu ủy quyền cho cha, mẹ, vợ, chồng, con thì không bỏ qua bước này).

Bạn chuẩn bị:

  • 02 bản hộ chiếu Việt Nam còn hiệu lực.
  • 02 bản sao hộ chiếu/CMND/CCCD Việt Nam của người được ủy quyền.
  • Mẫu giấy uỷ quyền (soạn bởi Luật sư hoặc theo mẫu này) – không được ký tên vào giấy trước. Sau đó, bạn mang các giấy tờ đến Đại sứ quán/Lãnh sự quán Việt Nam ở nước đó để họ xác nhận chữ ký (bạn ký trước mặt cán bộ ĐSQ để xác thực) và chứng thực các giấy tờ. Bạn gửi giấy uỷ quyền về Việt Nam cho người thân chuẩn bị phần còn lại của hồ sơ xin cấp phiếu Lý lịch tư pháp.

Bước 2: Người thân ở Việt Nam được ủy quyền chuẩn bị hồ sơ gồm:

  • Tờ khai yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp theo mẫu (mẫu 03/2013/TT-LLTP nếu tự làm hoặc mẫu 04/2013/TT-LLTP nếu ủy quyền).
  • Bản sao hộ chiếu của người được cấp phiếu lý lịch tư pháp đã được chứng thực tại Đại sứ quán.
  • Bản sao công chứng sổ hộ khẩu hoặc giấy tờ chứng minh nơi cư trú trước khi ra nước ngoài (không cần nếu nộp sau ngày 01/07/2021).
  • Bản sao công chứng giấy tờ tuỳ thân của người được ủy quyền tại Việt Nam.
  • Bản sao công chứng giấy tờ chứng minh mối quan hệ của người được ủy quyền và người uỷ quyền.
  • Giấy uỷ quyền đã được chứng thực tại Đại sứ quán theo Bước 1.

Bước 3: Người được ủy quyền nộp hồ sơ lên Sở Tư Pháp nơi cư trú trước khi ra nước ngoài.

Bước 4: Nhận kết quả tại địa chỉ đăng ký trong hồ sơ xin cấp phiếu lý lịch tư pháp.

ĐĂNG KÝ LÀM LÝ LỊCH TƯ PHÁP TẠI TRUNG TÂM HỒ SƠ TƯ PHÁP

Trung tâm Hồ sơ tư pháp

2. Thủ tục xin cấp phiếu lý lịch tư pháp số 2 cho người Việt Nam ở nước ngoài

Quá trình làm hồ sơ xin cấp phiếu lý lịch tư pháp số 2 cho người Việt Nam ở nước ngoài có sự khác biệt tùy theo 2 đối tượng sau:

  • Người dưới 18 tuổi (trẻ chưa thành niên) đang ở nước ngoài – được phép ủy quyền cho cha/mẹ thực hiện thủ tục.
  • Người từ 18 tuổi trở lên đang ở nước ngoài – không được phép ủy quyền.

► Đối với người dưới 18 tuổi xin phiếu lý lịch tư pháp số 2:

Theo đó, bạn thực hiện 04 bước sau:

Bước 1 – Chứng thực hộ chiếu Việt Nam:

Người dưới 18 tuổi mang hộ chiếu Việt Nam + 02 bản sao hộ chiếu tới Đại sứ quán/lãnh sự quán Việt Nam tại nước đó để được chứng thực và gửi về Việt Nam.

Bước 2: Cha/mẹ ở Việt Nam chuẩn bị hồ sơ gồm:

  • Tờ khai yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp theo mẫu (mẫu số 03/2013/TT-LLTP đối với người trên 18 tuổi hoặc mẫu 04/2013/TT-LLTP – đối với người trẻ chưa thành niên).
  • Bản sao hộ chiếu của người được cấp phiếu lý lịch tư pháp đã được chứng thực tại đại sứ quán.
  • Bản sao công chứng sổ hộ khẩu (không cần nếu nộp sau ngày 01/07/2021).
  • Bản sao công chứng giấy khai sinh của người được cấp phiếu lý lịch tư pháp.
  • Bản sao hộ chiếu của người được cấp phiếu lý lịch tư pháp đã được chứng thực tại đại sứ quán Việt Nam.
  • Bản sao công chứng sổ hộ khẩu của gia đình, trong đó chứng minh mối quan hệ cha/mẹ với người được cấp phiếu lý lịch tư pháp (không cần nếu nộp sau ngày 01/07/2021).

Bước 3: Cha/mẹ nộp hồ sơ lên Sở Tư Pháp nơi người được cấp để làm phiếu lý lịch tư pháp (có thể nộp trực tiếp hoặc qua bưu điện).

Bước 4: Nhận kết quả.

► Đối với người từ 18 tuổi trở lên:

Người Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên đang ở nước ngoài sẽ thực hiện các bước sau để xin phiếu lý lịch tư pháp số 2:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ:

  • Tờ khai yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp theo mẫu (mẫu số 03/2013/TT-LLTP đối với người trên 18 tuổi hoặc mẫu 04/2013/TT-LLTP – đối với người trẻ chưa thành niên).
  • Bản sao hộ chiếu của người được cấp phiếu lý lịch tư pháp đã được chứng thực tại đại sứ quán.
  • Bản sao công chứng sổ hộ khẩu (không cần nếu nộp sau ngày 01/07/2021).

Bước 2: Nộp hồ sơ qua bưu điện:

Bạn nộp hồ sơ tới Sở Tư pháp nơi cư trú trước khi ra nước ngoài qua bưu điện.

Bước 3: Nhận kết quả.

Thời gian cấp phiếu lý lịch tư pháp thường là 10 – 15 ngày làm việc. Bạn cũng cần tính thêm thời gian vận chuyển tới địa chỉ ở nước ngoài của bạn.

3. Thủ tục làm lý lịch tư pháp cho người Việt Nam ở nước ngoài online/trực tuyến

Để tiết kiệm thời gian và công sức, người Việt Nam ở nước ngoài có thể xin cấp phiếu lý lịch tư pháp online/trực tuyến/qua mạng.

Thủ tục như sau:

  • Truy cập vào trang web https://lltptructuyen.moj.gov.vn.
  • Chọn đúng đối tượng: Công dân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài.
  • Nhập tờ khai trực tuyến.
  • Tự nộp hoặc uỷ quyền nộp hồ sơ qua bưu điện và nhận kết quả.

Lưu ý: Đăng ký làm lý lịch tư pháp online có nghĩa là thay vì tải tờ khai về, in ra, và điền thông tin thì bạn nhập tờ khai trực tuyến. Sau khi hoàn thành các bước kê khai trực tuyến, bạn vẫn thực hiện các bước làm thủ tục lý lịch tư pháp (Phiếu số 1 hoặc số 2) cho người Việt Nam đang ở nước ngoài như đã được trình bày ở trên.

Hy vọng với thông tin này, việc làm lý lịch tư pháp khi bạn ở một quốc gia khác sẽ dễ dàng hơn. Chúc bạn thành công ngay từ lần đầu.

5/5 - (5 bình chọn)
error: Muốn copy nội dung từ website này, vui lòng liên hệ admin Hội Nhập Hàn Quốc, xin cảm ơn!!